“ Người truyền lửa ”

  Cha ông ta có câu : " Học thầy không tày học bạn ”. Câu tục ngữ này quả thật rất đúng. Và cũng bởi lẽ đó mà năm học 2017- 2018 phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Dũng vẫn duy trì xây dựng kế hoạch cho các trường trong huyện sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, nhằm tạo cơ hội cho  giáo viên chúng tôi có nhiều cơ hội học tập, học hỏi, giao lưu và phát triển chuyên môn cho mình.

Tài liệu đính kèm: Tải về

“ Người truyền lửa ”

          Cha ông ta có câu : " Học thầy không tày học bạn ”. Câu tục ngữ này quả thật rất đúng. Và cũng bởi lẽ đó mà năm học 2017- 2018 phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Dũng vẫn duy trì xây dựng kế hoạch cho các trường trong huyện sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, nhằm tạo cơ hội cho  giáo viên chúng tôi có nhiều cơ hội học tập, học hỏi, giao lưu và phát triển chuyên môn cho mình. Với tôi, khi bước từng bước chập chững vào nghề giáo viên, ngoài việc được trang bị vốn kiến thức trong 4 năm ngồi trên  giảng đường đại học thì vốn sống, kinh nghiệm đứng lớp, xử lí các tình huống sư phạm, chúng tôi còn rất khiêm tốn. Vì vậy, tôi luôn xác định cần phải trau dồi hơn nữa kinh nghiệm cho bản thân bằng cách học hỏi từ các đồng nghiệp của mình và cũng chính từ cách thức sinh hoạt chuyên môn này đã giúp chúng tôi nhận được rất rất nhiều “ Lửa ” từ đồng nghiệp của mình. Lửa để thắp sáng cho chúng tôi con đường đi đến một giờ học thành công và hiệu quả. Và người truyền lửa giúp cho tôi nhiều kinh nghiệm quý báu phải kể đến đồng chí Dương Thị Khuyên - giáo viên chủ nhiệm lớp 3D, trường Tiểu học Yên Lư số 2. Ngoài việc chỉ bảo tôi cách xử lí các tình huống sư phạm, cách dẫn dắt vào bài mới, đồng chí còn nhiệt tình dạy thị phạm cho tôi những hoạt động mà tôi thấy vướng mắc. Và tôi càng thấy khâm phục và muốn học hỏi ở đồng chí nhiều điều hơn nữa sau khi dự giờ tiết Luyện từ và câu : " So sánh - Dấu chấm" vào chiều ngày 8/11/2017.
          Đồng chí có lối dẫn dắt vào bài rất thú vị : cô đặt câu hỏi cho học sinh : " Mỗi em hãy lấy cho cô ví dụ về câu chứa hình ảnh so sánh ”.


Học sinh hào hứng phát biểu
 
Học sinh hào hứng phát biểu vì đây là kiến thức cũ các em đã nắm rất chắc. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt các em, ai cũng muốn được thể hiện sự hiểu biết của mình. Bạn Minh Anh lấy ví dụ: " Mặt trăng như lưỡi liềm ". Giáo viên yêu cầu học sinh cả lớp tìm hình ảnh so sánh và hình ảnh được so sánh trong ví dụ bạn Minh Anh vừa lấy. Bạn Lan nhanh nhảu trả lời: " Em thưa cô, trong câu văn trên hình ảnh so sánh là " lưỡi liềm ", hình ảnh được so sánh là" mặt trăng ". Cả lớp đều tán thành với câu trả lời của bạn.

Giáo viên lại hỏi tiếp: "mặt trăng" và " lưỡi liềm" là 2 từ chỉ gì? Học sinh dễ dàng trả lời : Đó là 2 từ chỉ sự vật. Dựa vào đây, giáo viên dẫn dắt vào bài mới: " Ở những bài trước chúng ta đã được học phép so sánh sự vật với sự vật , nhưng trên thực tế trong các câu văn, câu thơ các tác giả sử dụng rất nhiều phép so sánh hay, độc đáo. Và để biết xem còn phép so sánh gì nữa, cô và các em hãy đi học bài ngày hôm nay nhé : So sánh- Dấu chấm". Qua phần giới thiệu bài, học sinh hào hứng tìm hiểu kiến thức mới với tâm thế sẵn sàng, thoải mái. Vì tất cả những gì giáo viên yêu cầu đều vừa sức với học sinh, dựa vào những hiểu biết của học sinh tạo cho các em sự tự tin chiếm lĩnh kiến thức mới. Bên cạnh đó tạo cho các em sự tò mò muốn khám phá bài học. Đó chính là điểm thú vị mà tôi cần phải học tập ở đồng chí Khuyên để vận dụng vào bài dạy của mình.
Khi xây dựng kiến thức mới, ở bài tập số 2, giáo viên yêu cầu học sinh làm phiếu học tập. Trước khi làm đồng chí Khuyên gọi 2 học sinh đọc bài tập, học sinh được xác định kỹ yêu cầu của bài, đồng thời đồng chí gạch chân những từ quan trọng trong yêu cầu của bài. Việc làm này rất cần thiết để học sinh khá có thể chia sẻ với những bạn khác, từ đó xác định rõ yêu cầu của bài tập, tránh sự nhầm lẫn hoặc chưa xác định được yêu cầu  khi làm bài.



          Sau khi dã xác định rõ yêu cầu đề bài, học sinh làm bài cá nhân, sau đó chia sẻ trong nhóm
 

                                      Học sinh làm bài cá nhân


 Học sinh chia sẻ, giúp đỡ bạn
          Lúc đó, nhóm cộng tác được hình thành. Khi 2 học sinh trong nhóm cùng gặp khó khăn, các em đã biết tìm kiếm sự giúp đỡ của bạn ở nhóm khác. Điều đó cho thấy các em được rèn thói quen chia sẻ hàng ngày. Có như vậy thì hôm nay các em mới chia sẻ tự nhiên đến thế. Khi 2 bạn trong nhóm đều làm xong bài tập, các em tự giác chia sẻ với bạn bên cạnh. Khi 2 bạn còn thắc mắc, các em chủ động nhờ sự trợ giúp của giáo viên. Điều này rất đáng được khuyến khích. Sự chủ động, tự tin, làm chủ mọi tình huống của học sinh được phát huy tối đa.  Có lẽ đây chính là “ Lửa ” mà đồng chí Khuyên đang truyền cho tôi.



Học sinh chia sẻ với bạn; chia sẻ với cô giáo
      
      Không những vậy, khi lên bảng trình bày kết quả thảo luận của nhóm hoặc bài làm của mình, các em đều rất tự tin, làm chủ mọi tình huống.
 



             Trong mọi tình huống các em đều là người chủ động chiếm lĩnh kiến thức bài học, tạo ra không khí thoải mái cho giờ học mà tiết học vẫn hiệu quả.
Nam : - Bạn cho mình biết những âm thanh nào được so sánh với nhau?
Nguyên : - "Suối chảy rì rầm" so sánh với " tiếng đàn cầm ".
Hoa : - Bạn cho mình biết "Suối chảy rì rầm" so sánh với " tiếng đàn cầm " qua từ nào?
Nguyên : "Suối chảy rì rầm" so sánh với " tiếng đàn cầm " qua từ " như".
Giáo viên : - Các bạn hãy cho cô biết các hình ảnh so sánh và hình ảnh được so sánh hôm nay khác gì với hình ảnh so sánh và hình ảnh so sánh được học ở những bài trước.?
Tài : hình ảnh so sánh hôm nay chúng ta học là : âm thanh được so sánh với âm thanh chúng ta có thể nghe thấy được.
Khuê : Bài học trước là : sự vật so sánh với sự vật chúng ta có thể nhìn thấy.
              Bằng cách chia sẻ giữa học sinh với học sinh, giáo viên với học sinh, học sinh đã được khắc sâu kiến thức mà các phẩm chất mạnh dạn, tự tin được phát huy tối đa ở các em. Các em hiểu rõ, hiểu sâu bài học. Từ đó các em lấy ví dụ vận dụng rất chính xác và sinh động.
            
             - Tiếng sấm như tiếng bom.
             - Gió thổi vi vu như sáo diều.
             - Tiếng hát của cô như tiếng chim sơn ca...
             Giờ học kết thúc, nhìn vẻ mặt vui tươi, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt các em, tôi hiểu rằng các em đã có một giờ học bổ ích. Giờ học mà ở đó các em được làm chủ mọi tình huống, chủ động chiếm lĩnh tri thức dựa trên những kiến thức mà mình đã biết. Giờ học hôm nay đã truyền lửa cho tôi, tiếp thêm cho tôi ngọn lửa đam mê, ngọn lửa yêu nghề. Và tôi tin chắc rằng sẽ có rất nhiều giờ học như thế mà tôi sẽ truyền dạy cho học sinh của mình. Cảm ơn giờ học hôm nay của đ/c, giờ học giúp tôi có thêm “ Lửa ” để  cống hiến cho các em, ngọn lửa đam mê, ngọn lửa từ sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học mà ra. Chúng tôi vẫn  nói với nhau “ Lửa ” trong sinh hoạt chuyên môn rất quan trọng và " Người truyền lửa ” lại càng là người quan trọng hơn để giúp những thế hệ đồng nghiệp đi sau có những cái nhìn đa màu về bài dạy của mình./.
Người viết : Trịnh Thu Hằng - Giáo viên trường Tiểu học Yên Lư số 2
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Trịnh Thu Hằng - Giáo viên Trường Tiểu học Yên Lư số 2.